Buổi đầu kháng chiến Giản_Định_Đế

Quân Hậu Trần mới họp, bị quân Minh đánh bại phải chạy vào Nghệ An. Các hào kiệt nghe tin vua Trần tới Nghệ An liền tới theo khá đông. Đặng Tất ở Hóa châu giết quan lại nhà Minh mang quân ra theo, Nguyễn Cảnh Chân cũng là tướng nhà Hồ và nhiều tướng thuộc lực lượng của Trần Nguyệt Hồ, người vừa bị quân Minh đánh bại ở Đông Triều cũng mang quân đến họp, thế quân Hậu Trần mạnh lên. Giản Định đế phong Đặng Tất làm Quốc công, Nguyễn Cảnh Chân làm Đồng tri Khu mật tham mưu quân sự. Nhà vua còn lấy con gái Đặng Tất làm vợ.

Tháng 12 âm lịch năm 1407, Giản Định đế cùng Đặng Tất điều quân đánh Nghệ AnDiễn Châu. Trần Thúc Dao và Trần Nhật Chiêu là hai tôn thất nhà Trần, con của Trần Nguyên Đán, đã theo hàng nhà Minh và được cho trấn giữ Nghệ An, Diễn Châu.[2] Vua Giản Định sai giết Trần Thúc Dao, Trần Nhật Chiêu và hơn 600 người thuộc hạ.[3] Sử quan đời Lê Ngô Sĩ Liên phê bình quyết định này của vua Trần:

Thiên hạ đại loạn, nhân dân Nghệ An, Diễn Châu biết ai là chân chúa. Thúc Dao là con người tôn thất, Nhật Chiêu là tướng quân cũ, nhận quan tước của nhà Minh, giữ đất, trị dân, dân không theo có được không? Giết Thúc Dao và Nhật Chiêu là phải, còn bọn thuộc hạ nên vỗ về mà dùng, thì chúng không cảm kích ơn đức đó hay sao? Thế là lại giết nhiều như vậy, sao gọi là quan nhân nghĩa được? Xem như Lê Tiệt và Lê Nguyên Đỉnh nhầm họp quân ở Hát Giang, mưu đánh úp Trùng Quang Đế, mà Trùng Quang Đế chỉ có Tiệt Đế và Nguyễn Đỉnh thôi, còn đều tha cả, so với Giản Định Đế thì đằng nào hơn?

— Ngô Sĩ Liên

Mùa xuân năm 1408, Trương Phụ cùng tướng người Việt là Mạc Thúy (tổ 4 đời của Mạc Đăng Dung) mang quân vào đánh Diễn Châu. Quân Hậu Trần ít không chống nổi, rút vào Hóa Châu. Khi Trương Phụ đuổi đến cửa sông Gianh, Phạm Thế Căng ra hàng, được Phụ cho làm Tri phủ Tân Bình. Coi như đã dẹp xong Giao Chỉ, Phụ rút về Đông Quan (Hà Nội) rồi mang đại quân về nước.[2][4]